Bài giảng điện tử: Một hình thức tổ chức bài lên lớp

Bài giảng Theo từ điển Giáo dục học (NXB Từ điển Bách khoa, năm 2001. Tr. 14) Bài giảng là môt phần nội dung trong chương trình của một môn học được giáo viên trình bày trước học sinh.
Bài giảng điện tử: Một hình thức tổ chức bài lên lớp

Các yêu cầu cơ bản đối với bài giảng là: định hướng rõ ràng về chủ đề, trình bày có mạch lạc, có hệ thống và truyền cảm nội dung, phân tích rõ ràng, dễ hiểu các sự kiện, hiện tượng cụ thể có liên quan và tóm tắt có khái quát chúng, sử dụng phối hợp nhiều thủ pháp thích hợp như thuyết trình, chứng minh, giải thích, đàm luận, làm mẫu, chiếu phim, mở máy ghi âm, ghi hình v.v. Bài giảng luôn được xem như một đơn vị nội dung của chương trình có độ dài tương ứng với một hoặc hai tiết học.

Khi ta thực thi một giáo án (kế hoạch dạy học) nào đó trên đối tượng học sinh cụ thể trong một không gian và thời điểm nhất định thì được coi là ta đang thực hiện một bài giảng. Như vậy, giáo án là tĩnh, bài giảng lại động. Một giáo án chỉ có thể trở thành bài giảng khi nó được thực thi. Hay nói một cách văng chương, nếu coi giáo án là “kịch bản” thì bài giảng được coi là “vở kịch được công diễn”. Bài giảng là tiến trình giáo viên triển khai giáo án của mình ở trên lớp.

Bài giảng điện tử là một hình thức tổ chức bài lên lớp nhằm thực thi giáo án điện tử. Khi đó toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học đều được chương trình hoá, do giáo viên điều khiển thông qua môi trường đa phương tiện với sự hỗ trợ của CNTT.

Nếu như bài giảng truyền thống là sự tương tác giữa thầy và trò thông qua các phương pháp, phương tiện và hình thức dạy - học truyền thống thì bài giảng điện tử là sự tương tác giữa thầy và trò thông qua các phương pháp, phương tiện và hình thức dạy - học có sự hỗ trợ của CNTT. Do đó, có rất nhiều mức độ tham gia của CNTT trong một bài giảng điện tử.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một chuẩn mực nào để đánh giá “bài giảng điện tử”. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị mà mức độ “bài giảng điện tử” sẽ khác nhau. Hiện nay bài giảng điện tử được giảng viên tạo ra bằng cách sử dụng những phần mềm tạo bài giảng điện tử, ví dụ như Adobe Presenter, Captivate, Articulate, Camtasia...

Mỗi bài giảng thường có âm thanh lời giảng, hình ảnh, video...được sắp xếp theo logic sư phạm để cung cấp cho người học những kỹ năng, kiến thức nhất định. Người học có thể ngồi bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào cũng có thể học được, chỉ cần có mạng Internet, máy tính hay điện thoại... Ngoài vấn đề kiến thức, một điều rất quan trọng của bài giảng điện tử là phải tạo được hứng thú cho người học.

==============================
Trích từ: http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A0i_gi%E1%BA%A3ng_%C4%91i%E1%BB%87n_t%E1%BB%AD

Tác giả bài viết: wikipedia.org

Nguồn tin: vi.wikipedia.org